Cậu bé Toàn 4 tuổi rất vui khi thắng mẹ liền 2 ván xúc xắc. Đến ván thứ ba, mẹ cậu thắng. Toàn mất hết hứng thú và tuyên bố không chơi nữa. Mẹ hỏi, cậu phụng phịu bảo "con không thích" rồi bước ra khỏi phòng.
Trường hợp như bé Toàn không phải là cá biệt. Rất nhiều cháu nhỏ khác cũng muốn mình là người chiến thắng trong mọi cuộc chơi và không có khả năng chấp nhận thất bại. Trẻ rất dễ chảy nước mắt hoặc nổi cơn giận dữ khi bị thua cuộc; đó là những biểu hiện thông thường khi nó đang coi chiến thắng là tất cả.
Từ tuổi lên 4, lên 5, trẻ đã có xu hướng tự nhiên muốn trở thành người tốt nhất hoặc nhanh nhất trong mọi hoạt động. Chiến thắng làm cho trẻ cảm thấy mình điều khiển được môi trường xung quanh, và khơi gợi sự chú ý của cha mẹ, được tán dương, ôm ấp và vỗ tay - điều này giúp phát triển tính tự tin. Hầu như không có đứa trẻ nào thích thua cuộc; chúng có thể coi thua cuộc như một biểu hiện của sự bất lực, hoặc thất bại, thậm chí nó như là sự chỉ trích.
4-5 tuổi, trẻ có thể bị mê hoặc bởi chiến thắng từ những sự kiện thông thường cho đến các cuộc thi. Chẳng hạn, khi được mẹ đón về nhà sau giờ tan học, vừa dừng xe, cô bé học sinh lớp 1 có thể ngay lập tức chạy về phía cửa nhà và nói “Con về nhất”. Mục đích của bé là muốn chiến thắng anh hay chị của mình.
Ra khỏi tốp đứng đấu, trẻ có thể than phiền, buộc tội đối thủ là lừa dối, hoặc tạo ra những luật chơi mới tại một thời điểm thuận tiện. Ví dụ, một cậu bé chơi xúc xắc thua có thể tuyên bố rằng cậu được phép di chuyển con xúc xắc lại lần nữa. Hoặc giống như Toàn, cậu có thể từ chối sự thua cuộc một cách đơn giản bằng việc nói “không thích” và đi ra khỏi phòng.
Dấu hiệu không tích cực của trẻ khi thua cuộc nên được dập tắt từ khi có mầm mống, bởi vì nếu nó cứ tiếp tục tồn tại cho đến khi đến trường, trẻ sẽ dễ bị mất bạn bè. Tiến sĩ Barbara Polland thuộc đại học bang California, Mỹ, khẳng định: “Việc học cách chấp nhận thất bại sẽ dạy cho trẻ tính tự trọng và biết sống hòa hợp với người khác”.
Trong thực tế, có rất nhiều cha mẹ vô tình đã cổ vũ cho quan điểm "mình phải luôn chiếm vị trí số một" ở trẻ, đặc biệt là trong các cuộc thi thể thao. Trẻ có thái độ rất hòa thuận với phản ứng của cha mẹ, khi cha mẹ tuyên bố là nó đã chiến thắng. Nếu cha mẹ đưa ra một phán quyết ngược lại, trẻ sẽ không hài lòng.
Để thay đổi điều này, nhiều chuyên gia tâm lý học khuyên các bậc cha mẹ hủy bỏ kết quả cuối cùng. Thay vào đó, nên nhấn mạnh tới điều trẻ đã làm mà có thể dễ nhận thấy nhất.
Dưới đây là 4 cách giúp cha mẹ dạy cho con biết chấp nhận thất bại:
Thỉnh thoảng, hãy để trẻ thua cuộc: Nếu cha mẹ luôn luôn để cho con thắng, trẻ sẽ phát triển những kỳ vọng không đúng với thực tế và khó chập nhận thất bại khi chơi với người khác. Tiến sĩ Polland cho rằng, một đứa trẻ cần được trải nghiệm cảm giác của cả sự thất bại lẫn chiến thắng.
Yêu cầu trẻ chơi đẹp: Trước khi cuộc chơi bắt đầu, yêu cầu trẻ chơi theo đúng luật và cam kết không được ném đồ chơi khi thua, có bắt tay thỏa thuận. Luôn nhắc trẻ rằng cuộc chơi này chỉ mang tính chất vui vẻ. Nếu trẻ không có hứng thú chơi tiếp, hãy chuyển sang những hoạt động không mang tính cạnh tranh, ví dụ: kể chuyện, vẽ tranh. Đồng ý với trẻ là sẽ chuyển cuộc chơi này sang một ngày khác.
Dạy con tôn trọng cảm xúc của người khác: Thật vui vì trẻ rất hưng phấn khi đánh bại bạn trong một cuộc chơi, nhưng không nên để trẻ khoe khoang về điều đó. Giải thích cho trẻ biết rằng bạn của nó có thể sẽ rất buồn khi thua cuộc và khuyến khích trẻ đến an ủi bạn ấy.
Khen ngợi sự tiến bộ của trẻ: Khi trẻ có hành vi đẹp, hãy tán dương. Ví dụ, trong trường hợp bé Toàn, người mẹ có thể nói: “Dù hôm nay con không thắng được mẹ, nhưng mẹ con mình đã chơi rất vui. Hôm nay mẹ thật may mắn, có thể ngày mai con lại thắng mẹ".