<DIV id=nodeAuthor>Kimberly L. Keith<BR>Tqvn2004 chuyển ngữ </DIV>
<DIV id=nodeSource><A href="http://childparenting.about.com/od/childdevelopment/a/eightyearoldhom.htm" target=_blank>About.com</A> </DIV>
<DIV class=nodeContent>
<P><STRONG>Ở nhà</STRONG></P>
<P><EM>Sinh hoạt hàng ngày</EM></P>
<P>Trẻ tám tuổi bắt đầu có cảm giác ăn ngon miệng, và một số trẻ có thể tăng cân rất nhanh. Cha mẹ có thể giúp trẻ kiểm soát trọng lượng của mình bằng cách hạn chế đồ ngọt và các ăn nhiều tinh bột. Trẻ tám tuổi thường đi ngủ muộn hơn so với trước đây, cha mẹ sẽ phải nhắc nhở trẻ lên giường và trẻ thường tìm kế hoãn binh càng lâu càng tốt. Tám tuổi ngủ ngon và ít khi gặp ác mộng. Thời gian trẻ ngủ trung bình bây giờ là 10 tiếng mỗi ngày.</P>
<P>Tám tuổi thích đi chơi và tham gia các hoạt động có người khác cùng tham gia, đặc biệt là gia đình của trẻ. Trẻ thích được ở trường, chơi với bạn bè, tham gia câu lạc bộ, và cả ngày liên tục chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác. Gia đình trẻ tám tuổi nên lập kế hoạch để cho trẻ có nhiều hoạt động ngoại khóa.</P>
<P><EM>Phát triển tính cách</EM></P>
<P>Trẻ tám tuổi cần được học rất nhiều điều về tính cách trong năm này. Trẻ có thể thô lỗ, đáng ghét, hay chỉ trích và không kiên nhẫn. Trẻ tưởng rằng mình đã biết nhiều điều, và ứng xử như người biết-tất-cả-mọi-thứ. Trẻ thích tranh luận và chỉ trích người khác. Trẻ có xu hướng cáu giận với mẹ, với bạn và đặc biệt là với anh em của trẻ.</P>
<P>Tám tuổi, trẻ bắt đầu phát triển nhận thức tâm lý chủ quan về bản thân (subjective psychological conception of the self). Trẻ mới bắt đầu cảm nhận rằng có sự cách biệt giữa cảm xúc bên trong và bày tỏ bên ngoài. Đây cũng là lứa tuổi mà sự so sánh xã hội trở thành cơ sở để tự đánh giá.</P>
<P>Đây là một bước tiến dài trong quá trình phát triển tâm lý của trẻ, do đó dễ nhận thấy rằng trẻ tám tuổi không phải lúc nào cũng điều khiển được tốt những cảm nhận về bản thân và mọi người. Trẻ thường cảm thấy thiếu thốn và không hạnh phúc. Trẻ sẽ đổ lỗi cho người khác nếu có gì tồi tệ xảy ra. Nếu bị chỉ trích, trẻ thường khóc hoặc tỏ thái độ bất cần. Dường như trẻ không thể chấp nhận sự thực là mình làm sai hay có lỗi, do đó trẻ sẽ làm tất cả để giải thích hoặc chối tội.</P>
<P>Tin vui là, trẻ tám tuổi có lòng dũng cảm và rất quan tâm đến đúng và sai. Trẻ cần được cha mẹ hướng dẫn trong năm này, để chỉ ra điều gì đúng và điều gì sai khi trẻ tiến những bước dài đi vào thế giới xung quanh trẻ. Trẻ thèm khát sự chỉ bảo này ở nhà, ở trường, ở cộng đồng và từ tôn giáo.</P>
<P><EM>Kỷ luật</EM></P>
<P>Bậc cha mẹ có con lên tám cần phải có vốn liếng tốt về việc kỷ luật con cái, bởi họ chắc chắn sẽ cần tới chúng trong năm này. Nếu bậc cha mẹ áp dụng chiến lược áp đặt ý kiến độc đoán của mình lên trẻ từ trước tới nay, thì kết quả tiêu cực của nó sẽ bắt đầu bộc lộ qua sự phản kháng và cứng đầu của trẻ tám tuổi. Bây giờ là lúc để bậc cha mẹ như thế học và thực thi các chính sách kỷ luật hợp lý, vừa nghiêm khắc, vừa trước sau như một, chỉ rõ cho trẻ thấy mình mong đợi gì ở trẻ và những hậu quả nếu trẻ không làm theo. Cần giải thích rõ tại sao có những hành vi của trẻ lại được thưởng, có những hành vi lại bị phạt.</P>
<P>Trẻ tám tuổi bắt đầu cảm nhận được động lực và việc làm của người khác, và biết đưa ra đánh giá về bản thân khi so sánh với người khác. Sự cảm nhận này chính là bắt đầu của phát triển đạo đức. Bây giờ, trẻ đã có thể hiểu làm thế nào và tại sao hành động của mình lại ảnh hưởng tới người khác. Trẻ có thể cảm thông với nỗi đau của người khác, và trẻ có mong muốn tìm hiểu về cái gì đúng và cái gì sai.</P>
<P>Kỷ luật đối với trẻ lên tám là hướng tới dạy dỗ, không phải để kiểm soát. Vì thế kỷ luật thường gắn với bồi thường hoặc sửa chữa những đổ vỡ, và thảo luận tại sao hành vi của trẻ như vậy là sai. Làm như thế sẽ có tác động mạnh tới trẻ. Nhưng cũng đừng trông đợi rằng trẻ sẽ ứng xử "đẹp" ngay lập tức; thay vào đó, hãy chuẩn bị tinh thần và tận dụng tất cả những lần trẻ sai phạm trong năm nay (sẽ nhiều đấy) để củng cố lời dạy dỗ trước đây, và cho trẻ thực hành bài học về hành vi đúng và sai.</P>
<P><STRONG>Tới trường</STRONG></P>
<P><EM>Kỹ năng cần thiết để bắt đầu lớp Ba</EM></P>
<P>- Lắng nghe và làm theo những chỉ thỉ bằng lời nói có nhiều bước.</P>
<P>- Nắm vững kỹ năng phát âm và nhận dạng từ.</P>
<P>- Đọc thành thạo và hiểu đoạn văn trong khi đọc.</P>
<P>- Nhận dạng được các thành phần trong một cuốn sách: Tiêu đề, tác giả, minh họa, mục lục v.v...</P>
<P>- Viết chữ thảo thành thạo với khoảng cách giữa các từ và câu cú hoàn chỉnh.</P>
<P>- Đếm và viết số tới 1000 và biết cộng / trừ tới 20</P>
<P>- Được học về các kiến thức khoa học cơ bản, bao gồm phân loại động thực vật, chuyển động, lực hấp dẫn, hình dạng trái đất, và các thuộc tính của vật chất.</P>
<P>- Có thể nhận dạng được một quốc gia, một bang, một thành phố trên bản đồ hoặc trên quả địa cầu</P>
<P><EM>Kỹ năng học được trong lớp Ba</EM></P>
<P>- Tăng cường kỹ năng đọc thông qua tự đọc các cuốn sách của trẻ em - kịch, thơ, thần thoại, trích đoạn sách v.v...</P>
<P>- Các kỹ năng nhận dạng từ nâng cao, bao gồm phát hiện tiền tố, hậu tố, và các trường hợp đặc biệt của từ.</P>
<P>- Sử dụng quy tắc phát âm và văn cảnh để giải mã từ có nhiều âm tiết (đây là dành cho trẻ học tiếng Anh, tiếng Việt dễ hơn...)</P>
<P>- Đọc các cuốn sách nghiêm túc và sách giáo khoa, sử dụng các quy tắc để tìm thông tin và phát hiện các điểm cốt yếu.</P>
<P>- Sử dụng các tài liệu tham khảo: Từ điển, từ điển đồng nghĩa, từ điển bách khoa toàn thư, bản đồ, niên giám</P>
<P>- Đọc sách giả tưởng và phân tích được câu chuyện, nhân vật, ý tưởng chính, xung đột, quan điểm và các thành phần khác của câu chuyện</P>
<P>- Viết chuyện và báo cáo với mở bài, thân bài và kết luận</P>
<P>- Sử dụng được các công đoạn của nghệ thuật viết, bao gồm lên dàn ý, viết nháp, sửa, và duyệt lại một bài viết.</P>
<P>- So sánh và tìm ra sự tương phản trong thông tin lấy từ văn bản, đồ thị, bảng hay bản đồ.</P>
<P>- Sử dụng máy tính để tìm kiếm về một chủ đề nào đó, và tạo ra những văn bản đơn giản.</P>
<P>- Nhớ bảng cửu chương</P>
<P>- Nhân và chia số có nhiều chữ số cho số có một chữ số</P>
<P>- Làm tròn tới số nguyên gần nhất</P>
<P>- Nhận biết và viết phân số và các dạng thể hiện phân số khác nhau</P>
<P>- Nói được giờ tới phút gần nhất</P>
<P>- Giải toán có một ẩn số</P>
<P>- Sử dụng toán trong các tình huống và vấn đề hàng ngày</P>
<P>- Phân tích và thể hiện dữ liệu bằng cách vẽ biểu đồ</P>
<P>- Bắt đầu các kỹ năng suy nghĩ khoa học như làm thế nào để đưa ra một giả thuyết đơn giản, dự đoán và thu thập số liệu</P>
<P>- Học về hành tinh và hệ mặt trời</P>
<P>- Học về cơ thể con người</P>
<P>- Khám phá chu kỳ sống của thực vật</P>
<P>- Học về chu trình nước bốc hơi và tạo thành mây</P>
<P>- Giới thiệu về các cộng đồng sinh học (như sa mạc, thảo nguyên v...), các loại động thực vật thường thấy trong đó</P>
<P>- Giới thiệu về địa lý cơ bản</P>
<P>- Giới thiệu về lịch sử cơ bản (các nhân vật và sự kiện trọng đại)</P>
<P><STRONG>Khi chơi</STRONG></P>
<P><EM>Hoạt động và sở thích</EM></P>
<P>Tám tuổi, tính cách cá nhân hướng nội và hướng ngoại sẽ ảnh hưởng tới sở thích về hoạt động nhóm của trẻ. Một trẻ hướng nội có thể hài lòng với một vài hoạt động nhóm hạn chế sao cho cân bằng với thời gian chơi độc lập. Trẻ có thể thích đọc hoặc thích chơi một mình. Ngược lại, trẻ hướng ngoại sẽ không thích ngồi một mình lâu, và miệt mài với các hoạt động nhóm như thể thao hoặc trò chơi. Hãy cố gắng điều chỉnh thời gian biểu của trẻ cho phù hợp tính cách và sở thích, ngay cả khi sở thích đó khác với sở thích của cha mẹ.</P>
<P>Trong khi những trò mang tính tưởng tượng vẫn được trẻ tám tuổi thỉnh thoảng chơi, hoặc một mình hay với bạn thân, trẻ tám tuổi tập trung nhiều hơn vào việc tạo ra những gì có thể nắm bắt được hoặc học các kỹ năng mới. Tám tuổi đặc biệt thích làm đồ thủ công, lắp ghép xây dựng, các dự án khoa học, mặc dù trẻ thường cần sự giúp đỡ của cha mẹ để thực hiện. Trẻ sẽ thích học những kỹ năng cơ bản về môn thể thao ưa thích, hoặc thử các thách thức mới, như tập gym, nhảy, bơi hay tập võ.</P>
<P><EM>Gợi ý đồ chơi cho trẻ tám tuổi</EM></P>
<P>- Những bộ đồ nghề làm các dự án khoa học</P>
<P>- Các bộ đồ nghề làm đồ thủ công</P>
<P>- Đồ chơi lắp ráp</P>
<P>- Bộ sưu tầm: búp bê, nhân vật siêu nhân, các hình để sưu tầm v.v..</P>
<P>- Thiết bị chơi thể thao và các trò chơi mang tính vận động</P>
<P>- Các loại cờ và bộ bài </P>
<P>- Sách </P>
<P>- Trò chơi điện tử phù hợp lứa tuổi</P>
<P>- Đồ chơi có điều khiển từ xa</P>
<P>- Xe đạp</P>
<P><EM>Tình bạn</EM></P>
<P>Trẻ tám tuổi có xu hướng bao dung. Chúng chơi với mọi người dù không mấy quen thuộc, và thường rộng lượng và giúp đỡ những người đồng lứa. Chúng sẽ cãi cọ và đánh nhau, nhưng không giận hay ghét nhau được lâu. Một số bé gái bắt đầu chơi với nhau thành nhóm, do đó giáo viên cần quan sát và yêu cầu cho các trẻ khác được nhập bọn. Tám tuổi sẽ dễ dàng chấp nhận điều này bởi trẻ vẫn quen thói quen được người lớn hướng dẫn cách chơi và đặt luật lệ.</P>
<P>Tình bạn của trẻ tám tuổi xoay quanh các hoạt động cùng nhau và hàng xóm láng giềng. Bạn của trẻ sẽ là những người cùng lớp, cùng khu, đi cùng nhà thờ hay các hoạt động ngoại khóa. Trẻ tám tuổi bắt đầu hiểu rằng bạn bè mình cũng có gia đình, và dần dần tôn trọng việc bạn có cuộc sống riêng. Trẻ có thể qua đêm ở nhà bạn, hoặc có thể đi cùng gia đình bạn xem phim hoặc tham dự một sự kiện nào đó. Nhưng trẻ sẽ cảm thấy xa cách và luôn hạnh phúc khi được quay về gia đình riêng của mình.</P>
<P>Trẻ thích nhất là khi tới nhà ai chơi, thì có cha mẹ mình hiện diện, hoặc chỉ vắng mặt chốc lát. Tám tuổi muốn có bạn qua nhà chơi, nhưng chúng sẽ chóng chán chơi với nhau, và nhớ nhà nếu không có các hoạt động ngắn và có sự tính toán trước. Trẻ sẽ hạnh phúc nhất khi được ở với cha mẹ và anh chị em mình.</P></DIV>